Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có vai trò quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án đang được nghiên cứu đầu tư với mục tiêu sớm triển khai, hoàn thành.
Để thuận lợi cho việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương tổ chức thực hiện, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép chia dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành 4 dự án thành phần.
Tuyến cao tốc dài hơn 188 km, điểm đầu giao đường tránh quốc lộ 91, TP Châu Đốc, An Giang, điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Trần Đề, Sóc Trăng.
Theo quy hoạch, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có quy mô 6 làn xe. Nhưng qua nghiên cứu 3 phương án trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đầu tư giai đoạn 1 tuyến cao tốc này với chiều dài 188,2km có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, đảm bảo tốc độ khai thác 80km/h để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn.
Tổng vốn đầu tư toàn tuyến gần 44.700 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công, chia làm 4 dự án thành phần.
Dự án 1 dài hơn 57 km, từ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang đến huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, có vốn đầu tư gần 13.800 tỷ đồng.
Dự án 2 dài hơn 37 km, từ huyện Vĩnh Thạnh đến huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, vốn đầu tư 9.845 tỷ đồng.
Dự án 3 dài gần 37 km, từ huyện Châu Thành A đến huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, vốn đầu tư 9.927 tỷ đồng.
Dự án 4 dài gần 57 km, từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn một của tuyến đường có quy mô 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc tối đa 80 km/h; vốn đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng. Công trình sẽ khởi công trong năm 2023, hoàn thành năm 2026. Giai đoạn hoàn thiện sẽ được thực hiện năm 2026-2030, quy mô 6 làn xe, rộng hơn 32 m.
Việc giao quyền đầu tư được cho phát huy tính chủ động, tự lực của các địa phương để công trình sớm hoàn thành, đưa vào khai thác... Sau khi dự án được Quốc hội thông qua, Thủ tướng sẽ quyết định địa phương thực hiện dự án thành phần dựa vào năng lực, kinh nghiệm quản lý.
Trước đó, hồi tháng 2, Sóc Trăng có văn bản đề nghị làm chủ đầu tư đoạn gần 60 km cao tốc này qua địa bàn, nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư cảng nước sâu tại huyện Trần Đề.
Tỉnh An Giang hồi cuối năm 2020 cũng kiến nghị Trung ương đầu tư đoạn khoảng 60 km cao tốc trục ngang này qua địa bàn để giảm tải cho quốc lộ 91.
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng khi hoàn thành sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến N1, đặc biệt quốc lộ 91 đang quá tải... Công trình còn góp phần kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á...