Việt Nam chú trọng phá triển đô thị thông minh
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện hệ thống đô thị Việt Nam đã và đang phát triển cả về lượng và chất. Năm 2017, cả nước có trên 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37.5%. Sự phát triển nhanh của hệ thống đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự đóng góp lớn từ tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) thì hệ thống đô thị nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng hiện đang phải đối mặt với nhiều bất cập. Đó là mô hình tăng trưởng đô thị chưa đa dạng, thiếu bền vững, sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, việc phát triển các dự án nhà ở, dự án khu đô thị vẫn còn dàn trải, thiếu thông tin về nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, mạng lưới hạ tầng kĩ thuật khung đô thị chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến nhiều bất cập như ngập lụt, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Đáng chú ý, các nỗ lực giải quyết các vấn đề trên chưa thực sự có sự liên kết hệ thống, còn riêng biệt theo ngành.
Theo ông Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hệ thống đô thị nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng hiện đang phải đối mặt với nhiều bất cập |
Theo ông Văn, việc phát triển đô thị thông minh sẽ góp phần giải quyết những bất cập trên và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững. Trên thực tế, việc áp dụng và phát triển đô thị thông minh đang được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Việt Nam. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030. Đề án cũng đã xác định các mục tiêu, kế hoạch hành động cho các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm phát triển hệ thống đô thị Việt Nam.
Ông Văn cũng cho rằng, việc ứng dụng giải pháp và công nghệ của đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho thị trường bất động sản, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Cụ thể, trong công tác quy hoạch đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ “thông minh hóa” công tác lập quy hoạch đô thị, quản lý đầu tư xây dựng đô thị, giúp hỗ trợ phân tích đánh giá thực trạng, chuẩn hóa các chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật và nhu cầu phát triển. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác dự báo cũng như định hướng quy hoạch đô thị.
Phát triển đô thị thông minh trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung là điều kiện minh bạch hóa các thông tin về quản lý sử dụng đất, thực trạng xây dựng hạ tầng đô thị. Đây sẽ là cơ sở để quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, minh bạch hóa thị trường bất động sản, đảm bảo tính cạnh tranh phát triển lành mạnh, hỗ trợ vai trò của các cơ quan quản lý trong việc điều tiết thị trường…
Ngoài ra, phát triển đô thị thông minh không chỉ tạo ra cơ hội đối với các doanh nghiệp bất động sản mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin, chế tạo nghiên cứu phát triển các sản phẩm, ứng dụng phần mềm trong việc phát triển các công trình kiến trúc thông minh, công trình hạ tầng kĩ thuật thông minh, công nghệ xây dựng thông minh và các sản phẩm, ứng dụng tiện ích khác trong đô thị thông minh.
Thành phố thông minh - thành phố hạnh phúc
Ông Mahmoud Al Burai, Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất) cho biết, thành phố thông minh đã phát triển từ lâu tại đất nước của ông. Hiện ở đất nước ông, các nhà quy hoạch, các nhà phát triển chú trọng đến sự song hành của 2 khái niệm thành phố thông minh - thành phố hạnh phúc. Đây là 2 khái niệm có mối liên hệ mật thiết với nhau. Việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin trong phát triển đô thị là để cuộc sống con người thuận tiện hơn, đích đến cuối cùng cũng chính là hướng tới một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Ông Mahmoud Al Burai, Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai cho biết ở đất nước ông, các nhà quy hoạch, các nhà phát triển chú trọng đến sự song hành của 2 khái niệm thành phố thông minh - thành phố hạnh phúc |
Thành phố hạnh phúc bao hàm thành phố thông minh, còn nội hàm của thành phố hạnh phúc thì rộng lớn hơn. Ở một khía cạnh nào đó, bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc kiến tạo nên một thành phố thông minh - thành phố hạnh phúc thông qua những công trình xây dựng. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp bất động sản chỉ đơn thuần xây hàng loạt những khối bê tông khổng lồ mà lãng quên việc đầu tư hạ tầng, mảng xanh đô thị, không gian công cộng… thì họ đang góp phần khiến thành phố đó nghèo nàn hơn về mặt tinh thần. Thành phố đó sẽ không thể trở thành một thành phố thông minh và hạnh phúc.
Một đô thị hạnh phúc là một đô thị được xây dựng vì con người, cho con người… Đó không phải là một đô thị kín mít những tòa nhà cao tầng nhưng lại rời rạc trong kết nối con người với nhau. Đó phải là những đô thị mở, kiến tạo được những cộng đồng có sự yêu thương và đồng lòng.
Thúy An