Nhiều lỗ hổng trong công tác phòng cháy chữa cháy
Ngày 24/8, tại hội thảo “Quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở công trình xây dựng và các vấn đề thực tiễn” do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức, các lỗ hổng trong công tác phòng cháy chữa cháy đã được giới chuyên gia chỉ ra.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, hiện nay, số lượng chung cư cao tầng được xây dựng trên cả nước xấp xỉ 3.000 tòa. Những bất cập trong công tác bảo đảm an toàn cháy nổ của công trình chỉ bị phát hiện khi các cơ quan chức năng kiểm tra định kì hoặc khi sự cố đã xảy ra. Quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều chung cư cao tầng có hệ thống PCCC nhưng chỉ mang tính hình thức. Khi xảy ra sự cố, hệ thống này lại không sử dụng được.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC trong thiết kế, nghiệm thu và đưa công trình vào hoạt động của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, ban quản trị chung cư vẫn chưa đầy đủ |
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Việt, Trưởng khoa Phòng cháy (Đại học Phòng Cháy Chữa Cháy) nhận định việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC trong thiết kế, nghiệm thu và đưa công trình vào hoạt động của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, ban quản trị chung cư vẫn chưa đầy đủ, vi phạm trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, trong đầu tư xây dựng, nhiều công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Các biện pháp ngăn cháy lan cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Các điều kiện an toàn đối với hành lang, lối thoát nạn không được duy trì thường xuyên.
Theo ông Việt, nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, vi phạm trên đến từ cả phía khách quan và chủ quan. Về phía nguyên nhân khách quan thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xây dựng, PCCC chưa thống nhất trong thực hiện các thủ tục cấp phép giữa cơ quan Cảnh sát PCCC với các cơ quan quản lý về xây dựng. Điều này dẫn đến tình trạng có công trình được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC, đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC quy định đối với nhà cao tầng, trong đó có chung cư cao tầng còn chưa đầy đủ. Hiện tại vẫn chưa có quy định riêng đối với nhà chung cư cao tầng, đặc biệt là đối với các nhà có chiều cao vượt quá 100m.
Việc thành lập đơn vị quản lý tòa nhà, Ban quản trị nhà chung cư cũng chưa phân định trách nhiệm nên sự phối hợp giữa chủ đầu tư với ban quản trị trong quản lý, vận hành các tòa nhà đa năng về tổ chức, hoạt động, trách nhiệm và năng lực PCCC còn nhiều bất cập.
Ở khía cạnh chủ quan, ông Việt cho rằng, các chủ đầu tư còn đặt nặng mục tiêu về hiệu quả kinh tế, cố tình cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu cho PCCC, thi công không đúng so với thiết kế đã được duyệt dẫn đến công trình không nghiệm thu được. Bên cạnh đó, kiến thức và ý thức của người dân về PCCC chưa cao.
Chú trọng giải pháp quy hoạch
Trước những bất cập đó, thạc sĩ Phạm Viết Tiến, Phó trưởng khoa Cứu nạn, cứu hộ (Đại học Phòng cháy Chữa cháy) đưa ra giải pháp là cần quản lý và thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển nhà ở cao tầng đảm bảo theo đúng quy định. Các cơ quan quản lý xây dựng cần phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát PCCC trong việc cấp phép xây dựng cũng như cấp phép đưa công trình chung cư cao tầng vào sử dụng.
Đối với chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị thì cần thành lập và duy trì Ban quản trị nhằm quản lý tốt các hoạt động tại các nhà chung cư, trong đó có hoạt động PCCC. Các tòa nhà cần đầu tư kinh phí trong việc trang bị hệ thống PCCCC, bảo quản bảo dưỡng hệ thống PCCC theo quy định. Ngoài ra, cần tổ chức tuyền truyền, huấn luyện cho người dân sống trong chung cư nắm bắt đc kiến thức về an toàn PCCC.
Ngoài các giải pháp trên, ông Đỗ Thanh Tùng cho rằng cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp quy hoạch, cụ thể ở đây là quy hoạch giao thông phục vụ chữa cháy.
Ông Tùng nhấn mạnh, đối với các dự án cao tầng xây dựng mới, cần đảm bảo quy hoạch về đường giao thông phục vụ chữa cháy. Chiều rộng của mặt đường xung quanh nhà chung cư cao tầng phải lớn hơn 3,5m cho mỗi làn xe. Chiều cao của khoảng không tính từ mặt đường lên phía trên phải lớn hơn 4,25m.
Với các khu vực phố cổ, phố cũ trong nội đô các thành phố lớn Việt Nam, do điều kiện đặc thù Việt Nam không thể áp dụng hoàn toàn các tiêu chuẩn, kinh nghiệm quốc tế về giao thông, dân cư nên các thao tác trong công tác phòng cháy chữa cháy thường chậm, khó, thậm chí bất lực. Do đó, nên đầu tư cho công tác phòng cháy “chủ động”, dựa hoàn toàn vào máy móc, thiết bị tại chỗ.
Bình Nguyên