TIN TỨC NỔI BẬT

Lộ diện thị trường BĐS đang bị "bỏ quên" mặc dù rất gần Hà Nội và đang bùng nổ về phát triển công nghiệp
admin - 2021-06-11 10:04:00 - custom.view 1111

Từ cách đây 5 năm, Thái Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều “ông lớn” bất động sản như Vinhomes, Geleximco, TNG... Tuy nhiên, suốt 2 năm nay dường như nơi đây không có dự án mới, điều này làm thiếu đi tính mới mẻ của thị trường, không tạo thêm được làn sóng mới.

Thái Bình vốn được biết đến là vùng đồng quê chiêm trũng với những cánh đồng lúa trĩu hạt từng được mệnh danh là “quê hương 5 tấn”. Thế nhưng, nếu trở lại Thái Bình những năm gần đây, nhiều người sẽ bất ngờ trước sự “chuyển mình” mạnh mẽ về mọi mặt của vùng đất này.

Vào tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích 30.583 ha với 12 phân khu, mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước. Nằm trên địa bàn 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy, Khu kinh tế được phân định rõ ràng từng phân vùng phát triển, trong đó huyện Tiền Hải có 12.214,8 ha, quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp và du lịch biển.

Tiền Hải hiện đang có 9 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp với diện là 3.970ha, trong đó KCN Tiền Hải diện tích 795ha thuộc xã Tây Sơn, Tây Giang, Đông Lâm, Đông Cơ được xem là khu công nghiệp đầu tiên và quy mô bậc nhất tại Thái Bình. Riêng KCN Tiền Hải hiện đã thu hút 45 doanh nghiệp đầu tư, 70 dự án với tổng vốn đăng ký gần 13.200 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư đã tham gia đầu tư vào KCN Tiền Hải với quy mô dự án lớn, công nghệ tiên tiến như Viglacera, Dầu khí Sông Hồng, Vina Kangaroo, Nicotex, Toyoda Gosei…

Còn tại Thái Thụy, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP-1) phân khu bắc, hạng mục khu công nghiệp với quy mô diện tích 588,84ha; được thực hiện tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Tổng vốn đầu tư dự án 3.885 tỉ đồng, Green iP-1 trở thành khu công nghiệp lớn nhất Thái Thụy.

Cùng với sự phát triển của BĐS khu công nghiệp những năm gần đây, hạ tầng giao thông của tỉnh Thái Bình có sự đổi thay mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 cây cầu nối Thái Bình với các địa phương khác trong khu vực. Từ Thái Bình, dễ dàng kết nối với nhiều địa khác qua các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 10, Quốc lộ 39, đường 217, Quốc lộ 37, tuyến đường cao tốc có chiều dài khoảng 160km Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh… và nhiều tuyến đường ven biển, đường liên xã, huyện được hình thành.

Sự bứt phá về hạ tầng và bất động sản khu công nghiệp mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới, đón các nhà đầu tư rốt vốn, đặc biệt là các tập đoàn công nghiệp, công nghệ lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan về Thái Bình đầu tư. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng sôi sục theo.

Từ cách đây 5 năm Thái Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều “ông lớn” bất động sản. Có thể kể đến sự “đổ bộ” của các doanh nghiệp tầm cỡ như Vingroup với Vincom Shophouse Thái Bình, Tập đoàn Geleximco với 2 dự án Khách sạn Thái Bình Dream, khách sạn sở hữu vị trí với kiến trúc vô cùng độc đáo đã được đưa vào sử dụng cách đây 3 năm.

Tuy nhiên, suốt 2 năm qua tại Thái Bình không có dự án mới triển khai, nguồn cung sản phẩm khan hiếm, điều này làm thiếu đi tính mới mẻ của thị trường, không tạo thêm được làn sóng mới. Các dự án hiện tại đều triển khai bán hàng từ lâu dẫn đến tình trạng 1 lô đất đã được giao dịch chuyển nhượng lại nhiều lần tạo nên những khu vực tăng giá cục bộ. Nguồn cung mới khan hiếm lâu ngày dẫn đến tình trạng thị trường BĐS Thái Bình dường như "đứng im" trong khi cơn sốt đất bùng nổ giai đoạn đầu năm 2021.

Tại thị trấn Tiền Hải, một trong những tâm điểm đầu tư BĐS tại Thái Bình, nguồn cung BĐS chỉ có quỹ đất đấu giá của nhà nước. Còn tại Thái Thụy nơi có sự bứt phá về bất động sản công nghiệp tình trạng khan hiếm nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản cũng tương tự. Thị trường đang thiếu những dự án khu đô thị hiện đại, được triển khai đồng bộ để phục vụ nhu cầu phát triển của bất động sản khu công nghiệp.

Khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay giá đất tại Thái Bình hiện rẻ hơn nhiều so với Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh. Cụ thể, tại khu vực trung tâm hành chính TP.Thái Bình có mức chỉ từ 60-80triệu/m2, khu vực từ Chợ Bo đến khu Chợ Đề Thám với mức giá khảo sát từ 85-100triệu/m2. Trục Lê Thánh Tông có mức giá dao động từ 30-35tr/m2, phía trung tâm hành chính có mức giá dao động lên đến 38-40triệu/m2. Đất nền khu vực Tiền Hải có giá từ 23-24 triệu/m2, khu vực Thái Thụy 20 triệu đồng/m2.

Đánh giá về thị trường BĐS Thái Bình, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới Việt Nam cho biết: "Với tốc độ đầu tư nhanh chóng, đặc biệt sức hấp dẫn những doanh nghiệp lớn về đầu tư sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng sôi động cho thị trường Thái Bình. Đặc biệt, khi mức giá của Thái Bình đang thấp hơn so với loạt khu vực đã phát triển và sốt ảo trước đó như Bắc Ninh, Bắc Giang...thì thái Bình còn nhiều dư địa để phát triển".

Theo ông Đính, chắc chắn trong thời gian tới, Khu kinh tế biển và hàng loạt các Khu công nghiệp lớn được triển khai sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho Thái Bình, kéo theo sự phát triển của bất động sản tại Thái Bình nói chung và các vùng ảnh hưởng nói riêng. Cùng với đó những "cánh chim đầu đàn" trong lĩnh vực BĐS về đây sẽ mang lại bộ mặt hoàn toàn khác cho thị trường BĐS nơi đây.

Nhiều nhà đầu tư cũng tin rằng, lúc này là thời điểm phù hợp để đầu tư vào Thái Bình khi giá trị bất động sản tại đây đang đang khá thấp so với tiềm năng phát triển của địa phương và so với giá trị bất động sản các địa phương có nền công nghiệp phát triển như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… Dự báo, giá bất động sản tại Thái Bình nói chung và tại các khu vực trọng điểm phát triển của Thái Bình nói riêng hoàn toàn có thể đột phá và thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.

Lan Nhi
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị