Giá tiếp tục leo thang
Nhiều người trong giới địa ốc đánh giá, BĐS thổ cư nóng lên chủ yếu do tâm lý "đất cắm dùi" và đó đa phần là các mảnh đất ngoại thành. Theo mẫu số chung, nhà đất thuộc đất… làng, đặc biệt là dọc trục Vành đai 3, những nơi ít nhiều được kết nối quy hoạch đô thị - hạ tầng giao thông, lượng tài chính khá hợp lý để khớp giao dịch.
Sàn giao dịch BĐS Từ Liêm tại A12 - BT3 Trần Văn Cẩn - Mỹ Đình cho biết, từ đầu năm, nhu cầu tìm mua đất thổ cư tăng mạnh. Tại các khu vực Nam và Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì, giao dịch có chiều hướng leo thang khi quỹ đất còn dồi dào (chủ yếu đất ruộng, đất phần trăm và đất trồng cây ăn quả). Người mua chủ yếu là khách hàng trẻ, muốn tìm hàng đẹp, giá cả hợp lý. Một chủ đất tại làng Nhân Mỹ (Mỹ Đình) vào cuối tháng 4 vừa chốt giao dịch một số nhà/đất thổ cư đẹp với đơn giá 40-45 triệu đồng/m2.
Giá nhà đất thổ cư Hà Nội tăng lên trong thời gian gần đây. Ảnh: Phạm Hùng
Giá đất tại địa bàn Trung Văn, Phúc Diễn, Cổ Nhuế cũng có sự tăng nhẹ. Nguyên nhân tăng giá được cho là do hạ tầng tại một số phường, xã Nam, Bắc Từ Liêm đều xong trước tháng 4/2014. Đầu tháng 5, ông Nam, chủ mảnh đất gần 400m2 ở Cổ Nhuế vẫn ngày ngày tiếp khách hỏi mua từng lô đất nhỏ khoảng 40m2 với giá khởi điểm 52 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, tại quận Hoàng Mai, phóng viên ghi nhận giá đất đang không ngừng "phi mã". Vì dự án đường vành đai chạy qua 4 quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân đã chính thức khởi động nên các chủ đất tăng giá theo từng ngày. Ngoài ra, đoạn đường từ chân cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động nhờ tiềm lực đối ứng của “ông lớn” Vingroup đã cơ bản được GPMB xong. Điều này đã khiến căn hộ 4 tầng, rộng 40m2 tại ngách 81, ngõ Hòa Bình 7 (Minh Khai - Hoàng Mai) bỗng “bật” lên mức giá 3,5 tỷ đồng (tương đương 85 triệu đồng/m2). Trong khi đó, mức giá cao nhất tại đây vào thời điểm năm 2016 chỉ 70 triệu đồng/m2.
Nguy cơ mắc bẫy lợi nhuận
Khi thị trường nóng lên, nhiều trung tâm nhà đất cũng đua nhau "mọc" lên tại khu vực Hoàng Mai. Một "cò" tên Nam tại sàn BĐS Thịnh Lộc cho biết, giá nhà đất tại đây tăng lên theo từng ngày. Tại những con đường như Lĩnh Nam, Tam Trinh, Mai Động, Nghiêm Xuân Yêm, Pháp Vân… chỉ sau 1 ngày, giá đất đã tăng 1-2 triệu đồng/m2. So với trước đó, giá đất thổ cư có sổ đỏ đã tăng 7-9 triệu đồng/m2. Giá đất nông nghiệp tăng trong khoảng 2-3 triệu đồng/m2.
"Cò" này nhấn mạnh: "Mức giá đất Vĩnh Tuy mà chị hỏi chỉ áp dụng cho đợt trước Tết vừa rồi (?!). Sau khi khởi công đường Vành đai 2, đất ở đây cực đắt. Hiện, sàn em đang được ký gửi mảnh đất tại số 7, ngách 122/34, phố dốc Vĩnh Tuy. Tổng diện tích 79,5m2, trên đất có nhà ở 25,1m2, ô tô đi vào thuận tiện, sổ đỏ chính chủ có giá 52 triệu đồng/m2 (tức gần 4,2 tỷ đồng/căn). Nếu chốt đặt cọc trước 30 triệu đồng, sáng mai giao dịch luôn".
Về sự gia tăng nhu cầu tìm mua nhà đất thổ cư, chuyên gia BĐS Nguyễn Thành Tiến phân tích, nếu có vị trí và pháp lý tương đương nhau thì giá trị đất thổ cư tại Hà Nội vẫn luôn cao hơn chung cư. Tuy nhiên, nếu tài chính không đủ mạnh, người mua sẽ khó tìm được sản phẩm vừa phù hợp với túi tiền vừa nằm gần trung tâm, có hạ tầng ổn, dân trí, không gian tốt. Nhà đất tạm ổn để ở hiện có giá phải trên 1,5 tỷ đồng. Mức giá này có thể tăng lên và dao động tùy theo vị trí. Lượng hàng tại các quận Bắc, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai còn khá đa dạng nhờ lợi thế "sinh sau, đẻ muộn".
Khi hạ tầng được đầu tư, giá nhà đất tăng là điều tất yếu. Uy tín của Vingroup và sức bật của đường Vành đai 2 được coi là “con át chủ bài” đẩy giá đất tại Hoàng Mai tăng lên.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, khi giá biến động như trên, các nhà đầu tư có thể gặp nguy hiểm vì dễ rơi vào bàn cờ chim mồi của giới đầu cơ tự đẩy giá, thao túng thị trường.
Ông Tiến đưa ra cảnh báo: "Ngược lại, khách hàng có nhu cầu ở thực vẫn còn cơ hội với các mảnh đất chờ người mua trong làng khu vực ngoại thành (900 triệu đồng - 1,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, chớ ham rẻ mua dạng đất xen kẹt, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nằm rải rác ở các vùng ven trung tâm. Bởi, sẽ tiềm ẩn rủi ro về chứng nhận sở hữu về sau".