Quỹ đất tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gần như đã được lấp đầy. Vì thế, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ về các tỉnh, thành lân cận hoặc các khu vực mới nổi có tiềm năng khai thác thương mại, dịch vụ, khiến cho làn sóng đầu tư BĐS vào các tỉnh lẻ trở nên sôi động hơn.
Làn sóng mới
Số liệu từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong nửa đầu năm 2019, Hà Nội chỉ có 6 dự án, TP Hồ Chí Minh có 3 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng. Không chỉ hiếm dự án được triển khai mới mà không ít dự án đang thi công cũng bị dừng tiến độ, thậm chí một số dự án đang đi vào bàn giao cũng bị tạm hoãn. Lượng sản phẩm được chào bán ra thị trường giảm mạnh, kéo theo sự chững lại về giao dịch.
Trong khi các thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm về nguồn cung mới, không còn nhiều quỹ đất trống cho phát triển dự án mới, tâm điểm đầu tư lại thuộc về một số tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là những khu vực có lợi thế về phát triển du lịch, công nghiệp và dịch vụ.
Thời gian gần đây, làn sóng đầu tư BĐS đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ về các tỉnh, ở phía Bắc có: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; ở phía Nam: Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Phú Yên… Đây đều là những địa bàn có tiềm năng khai thác kinh doanh, thương mại, có tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao.
Nếu như ở các địa bàn Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Đồng Nai… đang thu hút nhà đầu tư vào phân khúc BĐS công nghiệp, thì tại các khu vực như Quảng Ninh, Kiên Giang, Bình Thuận, Phú Yên… lại được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Ông Vũ Đức Tuyên – đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, không khó hiểu khi thời gian gần đây làn sóng đầu tư BĐS lại có xu hướng chuyển dịch về các tỉnh. Một phần là do quỹ đất của các thị trường lớn giá tăng cao và đang vướng mắc bởi các thủ tục pháp lý, thì tại các tỉnh nơi quỹ đất còn nhiều, giá thấp, đầu tư mang lại lợi nhuận cao là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư.
“Các tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch đang đẩy mạnh thu hút và khuyến khích đầu tư, cơ chế thông thoáng. Cùng với đó là giá đất tại các tỉnh còn thấp hơn rất nhiều so với các thị trường lớn, vì vậy làn sóng đầu tư BĐS có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ về các tỉnh thay vì chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống” – ông Tuyên nói.
Cẩn trọng với những “đô thị ma”
Theo đánh giá của các chuyên gia, ở những địa bàn nào có các sản phẩm BĐS phát triển tốt, ở đó có nguy cơ xảy ra “sốt” đất. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền, các hoạt động liên quan tới BĐS sẽ diễn ra theo chiều hướng tiêu cực, vi phạm pháp luật và người dân là những người chịu thiệt thòi. Đơn cử, sự việc xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, với hàng nghìn khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch ảo, dự án ma.
Thực tế, đối tượng khách hàng mua sản phẩm dự án tại các tỉnh đa phần là khách mua đầu tư, các chuyên gia đưa ra cảnh báo khi dự án được xây dựng nhiều mà không có người đến ở thì sẽ dẫn đến nguy cơ trở thành dự án bỏ hoang. “Khi các dự án, tòa nhà mọc lên quá nhanh mà hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa theo kịp tới địa điểm đó sẽ dễ dẫn đến việc các dự án sẽ trở thành những “đô thị ma”, đô thị không có người ở” – Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Cũng theo ông Đính, khi quyết định đầu tư vào thị trường tại các tỉnh, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu về thực trạng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, dịch vụ tại khu vực đó; Thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế theo chủ trương của địa phương và đánh giá khả năng triển khai thực hiện dự án; Định giá trị bất động sản phải trên nguyên tắc thực tế đầu tư của địa phương, của dự án mà mình tham gia; Đánh giá nhu cầu cần thực sự của thị trường thông qua quan sát thực tế giao dịch được thực hiện bởi khách hàng thực tế có nhu cầu sử dụng hay là các nhà đầu tư ngắn hạn, đầu cơ…
“Với sự gia tăng dân số nhanh như hiện nay, nhu cầu về nhà ở sẽ còn nóng trong một thời gian dài, kể cả tại khu vực các tỉnh lẻ, nhưng trong quá trình phát triển các địa phương cần phải có sự tính toán cho hợp lý, phù hợp với tiến độ phát triển kinh tế của địa phương mình. Nếu để cho phát triển một cách tự phát, mất kiểm soát sẽ dẫn đến cung vượt quá cầu, dự án bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên và khủng hoảng” – ông Đính cho biết thêm.