TIN TỨC NỔI BẬT

Thủ Tục Cấp Sổ Đỏ Cho Nhà Đất Mua Bán Bằng Giấy Tờ Viết Tay
admin - 2020-08-22 08:32:00 - custom.view 1015

Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/3/2017 được đánh giá là điểm quan trọng để giải quyết nhiều vướng mắc về pháp luật đất đai. Khi đó, những trường hợp người dân mua bán bằng giấy tờ viết tay sẽ được xem xét, giải quyết cấp sổ đỏ.

Căn cứ quy định tại Khoản 54 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP thì trường hợp người dân (hộ gia đình, cá nhân) nhận chuyển nhượng đất từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/01/2008 bằng giấy tờ viết tay thì người đang sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.

Thay vào đó, theo nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/3 người đang sử dụng đất sẽ thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo quy định tại Điều 70 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Trường hợp được cấp sổ

Nghị định mới cũng quy định rõ không phải mọi trường hợp đều được cấp giấy chứng nhận lần đầu.

Để không xảy ra những vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất sau này những trường hợp được cấp phải đáp ứng các điều kiện như sau:

+ Mảnh đất đang sử dụng không tranh chấp

+ Thông tin đúng.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận

Người sử dụng đất cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nếu có.

– Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

+ Có nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất: Giấy phép xây dựng

+ Rừng, cây lâu năm: Hợp đồng giấy tờ mua bán cho tặng, chứng từ chứng minh sở hữu.

– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa về tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai

Các giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm:

  1. Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.
  2. Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, bao gồm:
  3. a) Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp;
  4. b) Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;
  5. c) Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
  6. Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  7. Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có).
  8. Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.
  9. Giấy tờ tạm giao đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 01 tháng 7 năm 1980 hoặc được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.
  10. Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. Trường hợp xây dựng nhà ở bằng vốn ngân sách nhà nước thì phải bàn giao quỹ nhà ở đó cho cơ quan quản lý nhà ở của địa phương để quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Nơi nộp hồ sơ

Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai.

Trình tự giải quyết

UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ về hiện trạng sử dụng đất,nếu đất chuyển nhượng trước đó không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất, gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp, chuẩn bị hồ sơ để trình ký giấy chứng nhận.

Trao giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao (nếu người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp hồ sơ tại cấp xã).

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận

Đối với trường hợp này là UBND cấp huyện

Như vậy với sự tạo điều kiện tối đa của pháp luật người dân nên tranh thủ xem xét để làm thủ tục cấp sổ đỏ, đầy đủ pháp lý cho mảnh đất mà mình đang sở hữu. Bên cạnh đó cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về mặt pháp luật để dễ dàng trong quá trình thực hiện.