Xét về số lượng thương vụ và số vốn mua bán - sáp nhập (M&A), lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang đứng thứ 2. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, con số này chỉ đạt 1,9 tỷ USD, bằng 53% cùng kỳ 2018. Theo các chuyên gia, cần cải cách để thị trường BĐS thu hút thêm các nhà đầu tư ngoại.
Nguồn vốn cần khai thác
Ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu và tư vấn, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài rót vốn vào Việt Nam đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore… cho thấy phân khúc vốn ngoại đổ vào nhiều nhất là căn hộ cao cấp và hạng sang dành cho giới nhà giàu.
Các chuyên gia đánh giá, việc có nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã giúp BĐS trong nước có sự thay đổi tích cực, các sản phẩm thiết kế hiện đại, đa dạng hơn… Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại cũng giúp thị trường tăng sức cạnh tranh, chất lượng, tiện ích, dịch vụ, công nghệ, quản lý vận hành… chuyên nghiệp, minh bạch hơn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM nhận định: “Vốn FDI thực sự rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới. Trong xu thế dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam, dòng vốn cũng dịch chuyển vào BĐS công nghiệp, văn phòng và nhà ở. Do đó, cần khuyến khích DN tạo dựng mối quan hệ hợp tác với nước ngoài”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra: “Một số DN đã tái cơ cấu mạnh để niêm yết trên sàn chứng khoán, bắt tay với nhiều đối tác là quỹ đầu tư ngoại cùng hợp tác thực hiện dự án. Điều này cho thấy BĐS trong nước đang cần dòng vốn ngoại thế nào”.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, vẫn cần sàng lọc nguồn vốn ngoại, vì có những DN ngoại không đủ vốn, thường xin giảm quy mô, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian… để tiếp tục “ôm” quyền sử dụng quỹ đất đã được cấp phép.
Cũng theo các chuyên gia, TP. HCM cần phải rút ra bài học kinh nghiệm trong sàng lọc, đánh giá lại chất lượng dòng vốn FDI vào thị trường BĐS. Từ đó tránh tình trạng trải thảm đỏ thu hút vốn FDI bằng mọi giá để rồi kết quả nhận được chỉ là những con số trên giấy, dự án treo, quy hoạch treo.
“Các cơ quan quản lý cần đánh giá lại các dự án chậm triển khai hoặc thu hồi các dự án chậm tiến độ để tìm kiếm NĐT có khả năng thực hiện thực sự, tránh lãng phí tài nguyên và tiền bạc”, ông Hiếu nói.
Tại báo cáo M&A thị trường Việt Nam năm 2018 - 2019 của Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) vừa công bố, các NĐT Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển sự quan tâm từ lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng sang BĐS trong năm 2018 - 2019.
Trong số đó, phải kể đến thương vụ đình đám là Tập đoàn Sumitomo cùng với Tập đoàn BRG của Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Thành phố thông minh, tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD.
Tăng cường tính minh bạch
Theo Giám đốc công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, ông Đặng Văn Quang: “Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến được ưa thích cho dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á. Nguyên nhân phần lớn nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, sự ổn định về chính trị và nền kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chủ động cải thiện vấn đề minh bạch trong thị trường BĐS.
Kỳ vọng, thị trường sẽ tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc và công nghiệp sẽ là ngành nóng nhất trong năm 2019, được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển của các DN ngoại và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA..."
Tuy nhiên, các thương vụ M&A BĐS đang gặp phải một số khó khăn đó là việc quyết định dừng xét duyệt các dự án mới của TP. HCM để kiểm tra, rà soát lại, khiến nhiều dự án BĐS mất cơ hội đầu tư.
Chưa kể, chính sách siết chặt vốn cho thị trường BĐS của Ngân hàng Nhà nước, dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cũng tác động đến các thương vụ M&A của các NĐT trong nước. Thêm nữa, việc bán vốn của các DNNN, định giá đất như thế nào để các DN tránh thua thiệt và nâng cao tính minh bạch trong cổ phần hóa doanh nghiệp cũng đang là những vấn đề lớn.
Từ những khó khăn đó, đại diện JLL Việt Nam cho rằng: Các NĐT nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ cho thị trường BĐS Việt Nam. Mặc dù hiện nay quá trình phê duyệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến những dự án phát triển mới trong năm 2019.
Theo ông Quang: Việc tìm nguồn cung “sạch” và minh bạch sẵn sàng để đầu tư sẽ là một thách thức cho các nhà phát triển BĐS và đầu tư trong năm tới. Việc cải cách quy định sẽ giúp cải thiện tính minh bạch, khiến thị trường BĐS Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các NĐT nước ngoài.
Để khắc phục những tồn tại, khơi thông dòng vốn ngoại chảy mạnh hơn nữa vào BĐS Việt Nam, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện thủ tục quy trình hiện tại để tạo điều kiện cho các NĐT nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
Với những nỗ lực của Chính phủ trong việc đề xuất, ban hành và áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư cũng như cải thiện khung pháp lý, thị trường BĐS Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển ở tất cả phân khúc cùng sự hấp dẫn với NĐT ngoại.
Thủy Tiên