Nguồn cung căn hộ giá thấp ở TP.Hồ Chí Minh sụt giảm mạnh trong thời gian qua, không những vậy đã bắt đầu có hiện tượng nhiều căn hộ thuộc phân khúc nhà giá rẻ đã bị đẩy giá lên cao khiến người thu nhập thấp khó mua được nhà.
Đó là nhận định của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam về tình hình thị trường trong thời gian qua. Theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý 3.2019, lượng căn hộ đủ điều kiện bán hàng theo Sở Xây dựng TP.HCM cấp đạt 11.797 căn hộ, trong đó lượng cung mới chào bán là 10.753 căn hộ.
Với số lượng đó, Hội Môi giới đánh giá, lượng cung chung cư của quý 3 tăng xấp xỉ 3,5 lần so với quý 1 và tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng căn hộ giao dịch trong quý đạt 10.205 căn hộ, tức là tỷ lệ hấp thụ đạt xấp xỉ 95%. Đây là tỷ lệ hấp thụ đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Trong đó, căn hộ chung cư giá trung cấp có tỷ lệ hấp thụ cao nhất, hơn 97%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Việt Nam - điều đáng nói tại thị trường TPHCM, nguồn cung căn hộ giá thấp hiện đang khá hạn chế. Nhiều căn hộ có giá 25 triệu đồng/m2 bị “đẩy” giá lên cao và trở thành phân khúc trung cấp.
“Quý 3, thị trường tại TPHCM không còn căn hộ giá thấp. Nếu không có sự thay đổi cơ chế, chính sách thì TPHCM sẽ tiếp tục sụt giảm nguồn cung và thiếu hẳn phân khúc nhà giá thấp”, ông Đính cho biết.
Có thể thấy phân khúc căn hộ bình dân đang không có doanh nghiệp nào đầu tư vì biên lợi nhuận quá thấp, chi phí cao. Điều này cũng khiến cho người dân không thể tiếp cận được với những căn hộ giá rẻ.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao – Trưởng bộ phận định giá, nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam nhận định, hiện nay, nhiều chủ đầu tư không mặn mà với việc phát triển căn hộ bình dân bởi biên lợi nhuận của phân khúc này thấp hơn rất nhiều so với các phân khúc khác.
“Giá bán căn hộ phân khúc bình dân là mức thấp nhất và các doanh nghiệp không thể tăng cao giá bán nhiều. Phân khúc cao cấp có thể đạt mức tăng giá từ 15 – 20%/năm nhưng phân khúc bình dân chỉ tăng tối đa được 5%/năm. Trong khi giá đất lại tăng “phi mã”, chi phí xây dựng tăng và nhiều khoản chi phí đầu tư khác cũng tăng khiến các chủ đầu tư phát triển các dự án bình dân gặp nhiều thách thức và khó khăn. Đây cũng là lý do khiến căn hộ bình dân khan hiếm trên thị trường”, bà Dung chia sẻ.
Theo bà Dung, chủ đầu tư muốn phát triển dự án bình dân thường phải đi ra xa các khu vực trung tâm để mua đất với giá rẻ để giảm giá thành. Tuy nhiên, hiện nay, giá đất tại các khu vực vùng ven có kết nối tốt cũng đang rất cao khiến việc phát triển dự án bình dân vô cùng nan giải.
“Mua được đất giá rẻ để làm dự án bình dân nhưng kết nối không tốt thì người dân cũng không mặn mà. Đây là thách thức lâu dài đối với các chủ đầu tư, bởi các dự án bình dân không được nhiều sự hỗ trợ hay ưu đãi như các dự án nhà ở xã hội”, bà Dung nói.