Tin tức & Sự kiện

Xu hướng 'xanh hóa' của thị trường bất động sản
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1207

Như một xu hướng tất yếu, việc phát triển các công trình xanh kết nối với thiên nhiên sẽ góp phần thay đổi diện mạo của thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn.

bất động sản xanh

Chú trọng phát triển bền vững

Theo ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam năm 2018 đạt 38%, tăng 0,9% so với năm 2017. Sự gia tăng tốc độ đô thị hóa đã giúp cho thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, đô thị hóa đi kèm "bê tông hóa" quá nhanh khiến môi trường sống có phần ngột ngạt hơn.

Đại diện IFC - thành viên của World Bank Group cho biết, các tòa nhà hiện phát thải tới 19% tổng lượng khí CO2 bắt nguồn từ việc tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới và sử dụng tới 40% lượng điện. Đến năm 2050, ngành xây dựng sẽ tăng trưởng gấp đôi bởi sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa. Tăng trưởng sẽ diễn ra chủ yếu ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. Do đó, bài toán đặt ra là làm sao để các tòa nhà trở nên "xanh" hơn, nghĩa là công trình phải vừa đảm bảo không gian sống chất lượng, vừa hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Điểm cốt lõi đối với công trình xanh là việc xây dựng trên nguyên tắc lấy môi trường làm nền tảng phát triển, giảm thiểu phát thải cacbon, sử dụng năng lượng tái tạo và lồng ghép các yếu tố môi trường như cây xanh, mặt nước… Đồng thời, đòi hỏi chủ đầu tư phải thực sự tâm huyết trong việc kiến tạo môi trường sống trong lành cho cư dân.

Tiêu chí đánh giá công trình xanh

Tại Việt Nam, Bộ Xây dựng chưa ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh mà chỉ áp dụng một số bộ chứng chỉ cơ bản, phổ biến trên thế giới. Trong số đó, phải kể đến hệ thống chứng nhận EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của World Bank Group, đánh giá các công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả dành riêng cho thị trường mới nổi như Việt Nam.

EDGE tập trung vào các tiêu chí Năng lượng, Nước và Năng lượng hàm chứa trong Vật liệu xây dựng, góp phần hạn chế phát thải khí CO2.

Theo đó, công trình mới của các chủ đầu tư phải đạt tối thiểu là 20% mức giảm tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu so với công trình thông thường. Sau khi xây dựng hoàn thiện, công trình sẽ được kiểm định thực tế một lần nữa để nhận được chứng chỉ EDGE cuối cùng.